Các siêu đô thị Nhật Bản bắt đầu đóng cửa vào cuối tuần
Theo Nikkei Asian Review, trong khi hầu hết quốc gia đã ban hành lệnh giới nghiêm thì Nhật Bản dường như “thư giãn” nhất thế giới với nhiều sự kiện như lễ tốt nghiệp, biểu diễn âm nhạc… vẫn được tổ chức, người dân tụ tập ngắm hoa anh đào. Nhưng tình hình đã thay đổi.
Ngày 27/3, Nhật Bản ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới, tăng cao nhất từ trước đến nay, làm dấy lên nỗi lo ngại về việc kiểm soát dịch bệnh ở nước này.
Chỉ riêng thủ đô Tokyo đã báo cáo 40 trường hợp mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp với số ca nhiễm không ngừng tăng. “Chúng tôi đang trên bờ vực”, một quan chức chính phủ thừa nhận.
Công viên Ueno của Tokyo đóng cửa vào ngày 28/3. Ảnh: Nikkei Asian Review
Chính quyền Tokyo yêu cầu người dân không tập trung ngắm hoa anh đào, mặc dù đây là thời điểm hoa nở rộ trong năm. Công viên Ueno – một trong những công viên lớn nhất, là địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng – được lệnh đóng cửa không đón du khách tham quan.
Các vườn thú, thủy cung và vườn hoa cũng ngừng hoạt động từ ngày 28/3 đến 12/4. Người dân ở các quận Kanagawa, Saitama, Chiba và Yamanashi cũng được yêu cầu hạn chế ra ngoài, bao gồm cả việc đến Tokyo.
Tương tự như Tokyo, Osaka đưa ra lệnh giới nghiêm bắt đầu áp dụng vào cuối tuần này. Thành phố này yêu cầu người dân hạn chế tổ chức các bữa tiệc ngắm hoa tại các địa điểm công cộng.
Theo đó, một số doanh nghiệp cũng chuẩn bị cho việc đóng cửa. Starbucks cho đóng cửa hơn 500 địa điểm (chiếm một phần 3 tổng số cửa hàng của Starbucks trên toàn Nhật Bản) tại quận Tokyo, Kanagawa và Saitama vào thứ 7 và chủ nhật.
Một khu phố ở Shibuya vắng người đi lại vào ngày 28/3. Ảnh: Nikkei Asian Review
Khi các cửa hàng mở cửa trở lại, số lượng ghế phục vụ sẽ giảm nhằm giữ khoảng cách giữa các khách hàng theo đúng quy định. Các địa điểm ở Tokyo đóng cửa sớm hơn thường lệ, vào 7 giờ tối.
Toàn bộ nhân viên, kể cả người làm việc bán thời gian “được đảm bảo lương” cho các ca làm việc bị hủy bỏ do việc đóng cửa, đại diện của một công ty cho biết.
Oriental Land, công ty sở hữu Disneyland Tokyo, cho biết sẽ hoãn việc mở lại Tokyo Disney Resort, đến ngày 20/4 hoặc lâu hơn. Trước đó, resort này dự kiến mở vào đầu tháng 4. Công ty dự kiến việc ngừng hoạt động thêm một tháng sẽ thiệt hại hàng trăm triệu USD.
Nhà điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Daimaru Matsuzakaya, thuộc sở hữu của J. Front Retailing, thông báo có kế hoạch đóng cửa 2 địa điểm ở Tokyo vào cuối tuần. “Thông thường, cứ mỗi ngày đóng cửa sẽ gây thiệt hại doanh thu hàng tháng từ 2-3%”, đại diện công ty cho biết.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Isetan Mitsukoshi Holdings có kế hoạch duy trì mở 6 cửa hàng ở khu vực Tokyo và giảm giờ mở cửa, với lý do “các cửa hàng bách hóa đóng vai trò quan trọng trong xã hội”.
Gần như tất cả địa điểm của Starbucks tại Tokyo, quận Kanagawa và Saitama đóng cửa vào ngày 28 và 29/3. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Khi lệnh giới nghiêm đưa ra, người tiêu dùng sẽ ở nhà nhiều hơn và có xu hướng dự trữ thực phẩm. Các nhà bán lẻ trực tuyến hợp tác với cửa hàng bách hóa đang ghi nhận sự thiết hụt hàng hóa.
Ngày 28/3, Amazon Nhật Bản thông báo tạm thời ngừng nhận đơn đặt hàng tạp hóa trực tuyến thông qua siêu thị Life. Trang web mua sắm trực tuyến Rakuten cũng ngừng nhận đơn đặt hàng mới qua chuỗi siêu thị Seiyu.
Lumine cho đóng cửa 14 trung tâm thương mại tại Tokyo vào cuối tuần này, và giảm một nửa tiền thuê cửa hàng nếu doanh nghiệp không đạt đến ngưỡng doanh thu trong tháng này.
Trước đó, Lumine đã rút ngắn thời gian mở cửa và tránh tổ chức các chương trình khuyến mãi để giảm lưu lượng khách hàng. Uber Eats, dịch vụ giao đồ ăn của Uber Nhật Bản, sẽ miễn phí đăng ký cho các nhà hàng vừa và nhỏ với 20 địa điểm hoặc ít hơn.
Nguồn: zing
Tokyo cảnh báo nguy cơ lây nhiễm tại các quận ăn chơi về đêm
Cố vấn y tế của chính phủ Nhật Bản cho biết nhiều ca nhiễm mới Covid-19 tại Tokyo được ghi nhận tại các quận như Shinjuku, Ginza và Roppongi, nơi có đời sống về đêm nhộn nhịp.