Các bạn trẻ cần chuẩn bị gì trước khi sang Nhật Bản làm việc?
Anh Khải, lao động người Việt đang làm hàn xì tại một công ty cơ khí ở Nhật Bản. (Ảnh: Quang Sỹ/Vietnam+)
Nhật Bản đã vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lao động tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm 2018. Đây cũng là thị trường hấp dẫn người lao động với mức lương hàng chục triệu đồng và ngày càng có nhiều lao động muốn đi làm việc tại thị trường này. Tuy nhiên, người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ các đơn hàng trước khi đi xuất khẩu lao động.
Bất ngờ trước sự khác biệt
Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng đi Nhật Bản làm việc sẽ có mức lương ngàn đô, kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng mà quên đi rằng sẽ có những khó khăn như khác biệt văn hóa, tác phong làm việc công nghiệp. Người Nhật trước nay nổi tiếng với văn hóa đúng giờ và làm việc hiệu quả nhất trên thế giới, do đó không ít bạn trẻ bị bất ngờ khi mới sang đây làm việc.
Anh Khải (tỉnh Hưng Yên) một thanh niên 21 tuổi đang làm việc tại một công ty cơ khí tại Niigata (Nhật Bản) chia sẻ, mặc dù đã làm công việc hàn xì được 2 năm trước khi đi nhưng lúc đến Nhật Bản, Khải vẫn không khỏi cảm thấy bất ngờ với cách làm việc mới.
“Em sang Nhật được hai tháng, tháng đầu sang đây thì vẫn đi học tiếng ở bên nghiệp đoàn, sang tháng thứ hai mới bắt đầu đi làm chính thức. Những tuần đầu tiên làm tại Nhật, em thấy bất ngờ về cách làm và thời gian làm việc bên này. Tuy vẫn làm 8 tiếng một ngày nhưng cường độ làm việc rất cao và liên tục cho tới giờ nghỉ, rất khác với ở bên mình,” Khải tâm sự.
Lao động người Việt đang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh Quang Sỹ/Vietnam+)
Tuấn (24 tuổi), một người lao động đến từ Thanh Hóa đang làm việc tại một công ty xây dựng ở tỉnh Saimata cũng gặp nhiều bỡ ngỡ khi sang Nhật Bản làm việc. Anh Tuấn cho biết: “Công việc thường ngày của mình là lắp giàn giáo tại những công trình xây dựng. Có khi lắp giàn giáo cho tòa nhà 70 tầng phải treo người bên ngoài. Mình vốn là người không sợ độ cao và có thiết bị bảo hộ đầy đủ nhưng mình vẫn lo lắng. Tuy nhiên, mình vẫn phải đảm bảo tiến độ vì bên này làm việc họ nhanh tay lắm, không phải cứ leo cao mà được làm chậm đâu.”
Tuy công việc khác nhau theo từng đơn hàng nhưng đều có chung một phong cách làm việc nhanh, đúng giờ và có năng suất, hiệu quả cao. Bạn Trang đến từ Hưng Yên (22 tuổi) đang làm việc tại một công ty đóng gói đồ ăn liền cảm thấy công việc dễ chịu, không nặng nhọc như các công việc khác nhưng vẫn phải tuân thủ chặt chẽ kỷ luật làm việc.
Chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng
Rất nhiều những bạn trẻ như Trang, Khải và Tuấn trước khi sang bên Nhật Bản làm việc chưa tìm hiểu kỹ công việc mình sắp làm. Đến khi sang gặp phải những công việc vất vả và cực nhọc chỉ biết nói “đâm lao thì phải theo lao” như Tuấn chia sẻ.
Một số các bạn trẻ lựa chọn công việc dễ được tuyển dụng nhưng hầu hết đó là những công việc khá vất vả. Thậm chí, có bạn chọn công việc vì nghe tên hay chứ không tìm hiểu trước về công việc này. Đây là một phần thiếu sót về kỹ năng của các bạn trẻ trước khi đưa ra một quyết định đi xuất khẩu lao động.
Để tránh việc “đâm lao thì phải theo lao”, những bạn đang có ý định sang Nhật Bản làm việc nên tìm hiểu thật kỹ công việc mình muốn làm.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, Nhật Bản đang có nhu cầu cao tuyển dụng các công việc trong nhà máy như cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, các công việc trong ngành xây dựng, thu nhập trung bình khoảng 30- 40 triệu đồng/tháng đối với lao động trên một năm.
Thời gian làm việc theo tiêu chuẩn lao động của Nhật bản là không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 giờ/tuần. Khi thực tập sinh làm việc vượt quá thời gian lao động theo quy định thì sẽ được tính làm thêm giờ. Doanh nghiệp tiếp nhận phải bố trí cho người lao động giải lao giữa buổi tối thiểu là 45 phút trong trường hợp thời gian lao động trong 1 ngày vượt quá 6 giờ và tối thiểu là 60 phút trong trường hợp thời gian lao động trong 1 ngày vượt quá 8 giờ. Trong 1 tuần, doanh nghiệp tiếp nhận phải cho thực tập sinh nghỉ tối thiểu 1 ngày và không dưới 4 ngày/tháng.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt coi trọng tính kỷ luật khi tuyển dụng lao động, theo đó các thực tập sinh nước ngoài được đánh giá cao và nhận nhiều đãi ngộ của doanh nghiệp nếu có thái độ làm việc tốt, nỗ lực chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật lao động chung của nhà máy,” Bà Trần Thị Vân Hà nhấn mạnh.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Lao động Việt Nam trước khi sang Nhật Bản phải tham gia khóa đào tạo tay nghề và học tiếng trung bình từ 6 đến 8 tháng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong đó có văn hóa và các chính sách quy định về chế độ làm việc, các yêu cầu cụ thể cho từng ngành nghề của nước tiếp nhận.
Thực tập sinh có trách nhiệm phải tham gia đầy đủ khóa đào tạo này do doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam tổ chức, thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn tổ chức các khóa học đứng để các em làm quen và rèn luyện tác phong, kỷ luật cũng như sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc tại Nhật Bản.
Bà Trần Thị Vân Hà khuyên các bạn trẻ trước khi sang Nhật Bản phải chuẩn bị kỹ càng các kiến thức, hiểu biết có liên quan đến tiêu chuẩn lao động chung của Nhật và các yêu cầu đối với công việc đã đăng ký đồng thời phải thật sẵn sàng trước những thử thách của công việc khi mới sang.
“Nhật Bản là thị trường lao động khó tính, nhưng điều kiện làm việc và thu nhập khá cao. Vì vậy, các bạn trẻ mong muốn có mức thu nhập cao, được nâng cao tay nghề trong thời gian làm việc ở Nhật Bản thì phải rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Việc này không khó, chỉ cần các bạn nghiêm túc tham gia đầy đủ các khóa học trước khi xuất cảnh và có trách nhiệm cao khi tiếp nhận các thông tin đồng thời chịu khó học hỏi để có thể tiếp cận với công việc mới cũng như thích nghi tốt với môi trường sống và làm việc ở Nhật Bản,” bà Trần Thị Vân Hà nói./.
Nguồn: vietnam+
Nam hành khách Nhật bị chê trách vì cản tàu đóng cửa
Người đàn ông nhiều lần cho tay vào giữa khe cửa khiến tàu không thể di chuyển.