Bị mỉa mai "du học Hàn mà về nước chỉ tặng mấy thỏi son bán đầy ngoài chợ", cô gái tức tưởi kể về cuộc sống thật nơi xứ người
Thường người ta vẫn nói như Nam Cao viết về lão Hạc rằng, người không đau chân thì làm sao hiểu được cảm giác của người mang cái chân đau. Đấy là để nói về chuyện chẳng ai hiểu được hoàn toàn người khác, bởi mỗi cá nhân đều có suy nghĩ riêng. Điều chán nản nhất chính là việc bên ngoài không hiểu gì, nhưng lại áp đặt chủ quan lên người khác, rồi lấy đó làm cớ để gây tổn thương bằng lời nói vô tâm.
Chuyện của những du học sinh nước ngoài là ví dụ sống động nhất cho lối suy nghĩ áp đặt chủ quan ấy. Ai cũng cho rằng giàu mới có tiền đi du học, kể cả nghèo thì ra nước ngoài kiểu gì cũng sẽ giàu lên (?!?) Chẳng hiểu vì đâu mà đắp nên cái quan điểm thiển cận ấy? Đã từng có không ít tâm sự, bộc bạch của những du học sinh Việt ở khắp các quốc gia như Nhật, Hàn, Anh, Đức, Mỹ, Úc… chia sẻ về cuộc sống thực tế ở nước ngoài, bên cạnh muôn vàn thứ hay ho, thú vị thì cũng lắm góc khuất đau buồn, tủi thân mà chỉ du học sinh mới thấm.
Bài đăng của cô gái trẻ nhận được nhiều đồng cảm.
"Tôi đi học ở nước ngoài hơn 2 năm, vừa rồi về Việt Nam chơi 2 tuần. Tôi có mua tặng mọi người ở nhà ít son 3CE, BBIA và mask. Quà nhỏ nhưng nó là cả tấm lòng của tôi. Đi làm đến tận hôm về, hành lý bị quá cân mà vẫn cố nhét hết đống mỹ phẩm đó về làm quà. Tôi tưởng mọi người sẽ vui và đón nhận như tấm lòng của tôi với họ!
Nhưng không hề! Có người bảo: "Mang tiếng đi học nước ngoài mà về có mỗi bộ quần áo!". Xin thưa, thế lúc tôi bảo về thì hết người này người kia nhờ mua hộ, rồi quà cho mọi người, tôi làm gì còn thừa số cân để nhét thêm quần áo nữa. Về nước với mỗi bộ quần áo mặc trên người, mẹ tôi xót quá còn đi mua tạm vài bộ cho tôi mặc, rồi mặc cả quần áo của em gái!
Lại nói về mấy thỏi son. Nhà có mấy bà chị họ, tôi tặng mỗi đứa 1 thỏi 3CE, sữa rửa mặt và mặt nạ. Có đứa cầm luôn không nói gì. Có đứa nói giữa nhà tôi là "mấy cái này ở Việt Nam rẻ lắm!". Tôi nghe xong cũng buồn! Biết là rẻ nhưng cả tấm lòng người tặng thì với tôi chỉ 500 đồng cũng quý.
Cho đến hôm nhà tôi có giỗ thì lại bảo: "Đi du học về mà cho mỗi người một thỏi son, chợ bán đầy, có hơn 200 nghìn". Nghe xong tôi điên lên bóc luôn tại trận! Đống quà đó mất cả gần tháng lương của tôi bên này đó!
Rút hết tiền lương, đích thân đi chọn quà ngoài store sang xịn, về nước vẫn choáng váng vì bị chê son như hàng chợ!
Son 3CE giá store toàn 17,9k won (360.000 đồng tiền Việt), mặt nạ 1,1k won (22.000/chiếc), son BBIA 13k won (260.000 đồng tiền Việt). Mà ở Hàn 2 năm, tôi chưa bao giờ thấy 3CE sale ạ! Vậy mà chẳng hiểu sao mấy bà chị tôi bảo mua ở Việt Nam toàn hơn 200k? Mấy shop online hàng nghìn followers mà tôi ngó thấy cũng toàn hàng rẻ hơn cả Hàn Quốc. Ở bên này mua ngoài store, có mua đến 1.000 thỏi họ cũng không giảm một đồng nhé, chưa kể nhập về Việt Nam mất phí và đương nhiên phải có lãi nữa!
Mua hàng đừng ham rẻ mà rước bệnh vào người".
Đây là lời chia sẻ khá mới mẻ của một bạn nữ du học sinh Việt tại Hàn. Đọc tới đoạn "tưởng mọi người sẽ vui và đón nhận như tấm lòng của tôi với họ", rất nhiều người đã lặng đi, thậm chí thấy chua xót vì hiểu rõ ý nghĩa câu nói này là gì. Đó là thực tại phũ phàng của các du học sinh khi hồi hương sau quãng thời gian dài vất vả nơi xứ người. Đối với các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu thực sự thì có lẽ họ chẳng lo lắng băn khoăn gì, quà cáp cũng không thành vấn đề bởi bản thân họ đã sống trong nhung lụa, hàng hiệu khắp người. Nhưng số còn lại sang nước ngoài du học bằng mồ hôi nước mắt và những khoản vay của bố mẹ, thì ngày trở về còn nặng nề hơn ngày ra đi.
Đó là bởi du học sinh bị gắn cho cái mác "có tiền", mặc định rằng luôn mang quà giá trị khi về nước. Từng có một chàng trai lặng lẽ khóc khi viết những dòng nhật ký quãng thời gian bên Nhật, ngày ngủ chỉ 2 - 3 tiếng, còn lại thì đi học và làm thêm quanh năm, bởi chi phí sinh hoạt xứ Phù Tang quá đắt đỏ, còn gia đình của cậu ấy thì nghèo. Phòng để ở chỉ có vài mét vuông, còn bé hơn cái nhà vệ sinh ở nhà, chất đầy mì tôm, thức ăn nhanh, mảnh vải mỏng che nắng, và cứ về đến phòng là ngã vật xuống ngủ, rồi 4 - 5h sáng lại dậy để làm thêm như giao sữa, giao báo, bán đồ ăn trước khi đến trường học. Rồi một cô gái ở bên Hàn, đi học chỉ 1 buổi, còn lại thì sấp mặt rửa đến 2.000 chiếc bát đĩa ở nhà hàng nơi cô làm part-time, để kiếm tiền trang trải học phí.
Ngày nào cũng 1 chu trình học - làm - học, ngủ ít, nhiều du học sinh Việt tự biến mình thành cỗ máy lao động giá rẻ, lúc nào cũng mệt mỏi, nhớ nhà, và nặng trĩu tâm tư về suy nghĩ sai lầm của người khác dành cho mình.
Rất nhiều du học sinh mang tiếng vác sách vở đi "mót" tri thức nước ngoài, nghe sang chảnh lung linh đầy mơ ước, nhưng sự thật thì họ phải vừa học vừa làm đến nỗi đổ bệnh, hoặc đau lòng hơn là đột tử như trường hợp của một nữ du học sinh Việt ở Nhật hồi đầu năm. Cái giá phải trả cho mác "du học sinh" quá đắt, khi họ phải bán sức bán cả thanh xuân để kiếm tiền gửi về nước cho bố mẹ trả nợ, còn bản thân thì mờ mịt cả tương lai…
Theo: afamily.vn
Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sử dụng đũa, thế nhưng bạn có biết câu chuyện về sự khác biệt?
Từ lâu, đôi đũa đã trở thành một vật dụng chẳng thể thiếu trên bàn ăn của người Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Thế nhưng đôi đũa ở mỗi quốc gia lại có các đặc trưng khác nhau.