Bất chấp rủi ro được ăn cả, ngã về Không: Việt Kiều Séc với những năm tháng “cày“ vì miếng cơm xứ người

Tôi ấn tượng với cộng đồng người Việt tại Séc từ ngày đầu tiên tôi sang Praha du học tháng 9/2015. Vì vậy, khi chuẩn bị tốt nghiệp, tôi không chần chừ gì, chọn ngay đề tài khóa luận tốt nghiệp là về người Việt tại đây. Một phóng sự dài về những người đồng bào của tôi và câu chuyện của họ.

Anh Đại

“Hai mươi cái tết thật giống nhau.

Tuyết trắng xẻng vung hất ngang đầu.

Sao ta cứ mãi tìm gì xa xôi thế?

Mà chẳng bánh chưng cạnh Mẹ Già.“

Praha, 05/02/2019, Lê Quang Đại

Tôi gặp anh Đại khi mới chân ướt chân ráo đến Praha. Lúc đó tôi đang học năm nhất Đại học, vẫn còn nuôi mộng trở thành phóng viên. Tôi xin vào làm cho một tờ báo người Việt ở đây và quen anh là một cộng tác viên lâu năm, chuyên viết về đề tài thể thao và võ thuật.

Anh Đại đáng ra tôi phải gọi là chú, vì chỉ trẻ hơn bố mẹ tôi một chút, nhưng vì tính chất công việc nên xưng hô vậy cho tiện.

Dáng người bệ vệ, nước da ngăm ngăm của anh làm tôi nhớ tới bố mình. Cách anh nói chuyện thân thiện, truyền cảm cũng rất giống bố. Anh cởi mở, hiếu khách, hay cười. Giọng nói trầm ấm, chắc nịch. Đôi mắt anh sáng, khi anh nói đến những đề tài tâm huyết như là về tổ quốc hay gia đình, đôi mắt mở to, sáng bừng.

Ngày mùng một Tết Kỷ Hợi 2019, anh Đại đăng bài thơ tự sáng tác ở trên lên Facebook, kèm bức ảnh anh đang hùng hục xúc tuyết trước cửa hàng tạp hóa của mình. Hai mươi năm xa nhà. Hai mươi năm “vượt qua bão tuyết” để đổi đời. Hai mươi năm không ngày nào anh nguôi nỗi nhớ quê hương.

Sau này tôi không làm cộng tác viên cho báo nữa nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Thấy tôi chia sẻ trên Facebook là sẽ viết phóng sự tốt nghiệp về cộng đồng Việt Nam, cần tìm người phỏng vấn, anh tỏ ý quan tâm. Tôi liền hẹn gặp anh ở chợ người Việt ở ngoại ô Praha: Chợ Sapa. Anh đồng ý ngay.

Ngày đông lạnh lẽo, ảm đạm. Trời đất xám xịt. Quang cảnh Sapa bỗng tiêu điều hơn mọi khi. Anh Đại vừa xì xụp bát phở bò nóng hôi hổi, vừa hồi tưởng lại khởi đầu sang Séc của mình hai thập kỷ trước. Lúc đó, anh đang là sỹ quan quân đội, công tác ở Huế, đời sống rất cực khổ, nghe người nhà mách, anh mới biết đến Séc. Anh thú nhận:

-Mục đích của những người Việt Nam sang đây thời gian ấy chỉ là để kiếm tiền thôi. Chứ còn bảo sang Tây để biết đây biết đó thì chỉ là nói dối, nguỵ biện cho cái xấu xa của mình. Du học sinh bây giờ sang đây còn là để mở mang kiến thức, hiểu biết, chứ thế hệ bọn anh thì đều vậy.

Thời kỳ tự do của người Việt tại Séc

Năm 50-60, chính phủ Việt Nam và Tiệp Khắc thỏa thuận nhiều chương trình trao đổi học sinh và lao động. Người Việt Nam sang Séc từ khi đó.

Đùng một cái, cách mạng Nhung năm 1989 dân chủ hóa Tiệp Khắc, mở cửa nền kinh tế, chào đón dân nhập cư. Thế là khi chương trình trao đổi lao động Tiệp-Việt kết thúc năm 1990, nhiều người Việt quyết định ở lại, lập gia đình rồi mở kinh doanh. Những năm tiếp theo, những người này nhân cơ hội, mời người thân sang đoàn tụ bên bển. Nhiều người còn lợi dụng thời cơ, nhân lúc chính trị Séc lục đục, luật pháp lỏng lẻo, để buôn lậu và buôn người. Anh Đại sang Séc vào giai đoạn đó.

Trong cuốn “The Visible and Invisible Vietnamese in the Czech Republic” (VN: Những người Việt Nam hữu hình và vô hình ở Cộng hòa Séc), giáo sư Stanislav Brouček gọi những năm 90 là “thời kỳ tự do” của người Việt vì họ tràn vào nước Séc với tốc độ và số lượng đáng kinh ngạc. Phần lớn sang để kiếm tiền, như anh Đại nói, nhưng cũng cả vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái sau này. Họ sang với mơ ước về một đời sống vật chất cao cấp, nền giáo dục tiên tiến, y tế hiện đại, bảo hiểm đầy đủ và xã hội văn minh. Vì ước mơ “Tây tiến” đó mà họ bằng mọi giá sang Séc, hợp pháp và cả bất hợp pháp.

Các dịch vụ hồi đó mọc lên như nấm, hứa hẹn “giấc mơ Châu âu” cho bà con quê nhà, bảo đảm tìm nhà cửa, tìm công ăn việc làm, dạy tiếng, phổ biến luật pháp rồi chuẩn bị hồ sơ visa từ A đến Z. Bà con ùn ùn kéo sang.

Được Ăn Cả

Anh Đại cũng đi theo dịch vụ. Làm chuyến “du lịch” sang Slovakia, rồi vượt biên sang Séc. Cưới một bà Tây để lấy quốc tịch. Thế là xong! Trọn gói 7000 đô, thêm 1000 đô quà cưới. Tiền anh vay của người nhà sống ở Cheb, thành phố biên giới Séc-Đức. Sau, anh đi làm thuê cho họ trả nợ dần. Anh khẳng định:

-Anh với cô ấy là cưới thật. Cưới hẳn hoi. Ra nhà thờ. Đến uỷ ban. Mời rượu, mời nước các thứ. Cưới thật. Chỉ có điều là không ở với nhau thôi. Kết hôn thật sự. Anh còn mời cả nhà cô ấy đi ăn cơm. Coi như là vợ chồng thật. 

Tôi ngạc nhiên:

-Thế họ có biết là mình cưới lấy giấy tờ không?

Anh cười khà khà:

-Họ biết mà. Anh thì chả có giây phút tân hôn nào với Tây cả. 

Anh kể “đoàn du lịch” mười mấy người, ai cũng vượt biên sang được. Rồi họ tản mác, người thì sang Ba Lan, người sang Anh, sang Đức. Trên thực tế, các dịch vụ còn tuồn người qua cả Nga và Hungary, rồi từ đó người ta vượt biên sang các nước Châu âu có người nhà sinh sống. Giá dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là độ “từng trải” của kẻ mua. Đối với các chàng “gà” thì giá dịch vụ trọn gói có thể lên đến 12,000 đô, chứ không bèo như gói của anh Đại.

Ngã Về Không

An ninh Châu âu ngày một thắt chặt. Dịch vụ thì ngày càng đắt. Có tiền, một người chẳng có chứng chỉ nghề ngỗng gì, một chữ Tiệp bẻ đôi không biết, cũng hô biến sang Tây được. Không có tiền thì ta đi vay. Vay nóng cũng vay! Mấy ông dịch vụ bảo, đi làm vài năm thôi là trả được nợ rồi. Trả xong nợ là lương 1 tháng 20 triệu rủng rỉnh, gửi về chu cấp cho gia đình ở Việt Nam tha hồ tiêu. Hồi đấy, 20 triệu thì to lắm.

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nhà máy Séc sa thải hàng loạt công nhân. Những người đầu tiên bị đuổi là người ngoại quốc, bao gồm người Việt.

Hàng trăm công nhân Việt thất nghiệp, vô gia cư (vì chỗ ở do nhà máy chu cấp), nợ đầm nợ đìa, tiếng tăm mù tịt, bao nhiêu người quen biết bỗng nhiên mất tăm mất tích, và dịch vụ thì đã cao chạy xa bay tự khi nào. Ở không được, không công ăn việc làm thì gia hạn giấy tờ kiểu gì? Về không xong, nợ như thế về nó siết cổ. Có ông uất quá tự tử.

Anh Đại may quá đi làm vài năm trả hết nợ. Lại còn duy trì hôn nhân với cô Tây, 10 năm sau mới ly dị. Trong 10 năm “vợ chồng”, tuy không chung sống, anh vẫn đóng tiền điện nước đầy đủ, còn góp tiền nuôi con riêng của cổ. Tôi ngạc nhiên vì biết không lâu sau khi cưới “giả”, anh lại cưới “thật” một cô Việt Nam và có hai đứa con. Anh ôn tồn giải thích:

– Thật ra anh không muốn li dị. Nhưng mà người ta khuyên ly dị thì tốt hơn. Ly dị thì…. họ thu lại cái thẻ xanh. Em hiểu chưa? Mình cư trú theo cưới giả mà. Là con rể của địa phương thì bao giờ nó cũng tốt hơn là người đã ly dị rồi, nhưng anh không muốn như thế.

Tai tiếng một cộng đồng

Anh Đại như vậy là khá may mắn vì cưới được bà Tây nên giấy tờ êm ru. Nhiều người sang theo kiểu dịch vụ, rồi không gia hạn được giấy tờ theo đường hợp pháp thì chui lủi, làm ăn ngoài vòng pháp luật. Phần lớn họ đều là những người xuất thân nghèo khó, ít học, lại bị dịch vụ dắt mũi. Sau này kinh tế khủng hoảng, kiếm việc không được lại nợ chất ngất, không biết đằng nào mà trả, dẫn đến ăn cắp, lừa đảo, buôn lậu và nhiều tệ nạn khác, bôi xấu hình ảnh người Việt ở Châu âu và trên thế giới.

Năm 2018, chính phủ Séc tạm ngừng cung cấp visa cho người Việt. Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek tuyên bố Việt Nam đã trở thành “rủi ro an ninh trong việc xuất khẩu tội phạm có tổ chức”. Chỉ vì một vài con sâu bỏ rầu nồi canh mà cả một tập thể hàng chục nghìn người bị mang tiếng vạ lây. Một cộng đồng làm ăn chăm chỉ, thật thà, 24/7, 365 ngày một năm, vậy mà lại bị nhà nước gọi là “tội phạm”. Buồn!

Đến nay các dịch vụ đưa người sang Séc vẫn nhan nhản bất chấp những rào cản chính phủ đặt ra. Tất cả như một trò cá cược.

Tôi từng ước mong người Việt mình đừng nghe mồi chài để đặt cược cuộc đời như vậy. Sau này tôi hiểu, tất cả con người đều có quyền tự quyết định số phận của mình. Tất cả chúng tôi sang đây đều có lý do riêng, phần lớn xuất phát từ một ước mơ lương thiện về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu họ đã chọn cược, tôi cầu cho họ thắng. Tôi cầu họ sang đây thành công, tu chí làm ăn, đóng góp cho xã hội. Tôi cầu họ chăm chỉ học tiếng, kinh doanh phát đạt, hòa nhập dễ dàng. Bởi vì tôi biết, nếu họ thua cược, hậu quả không chỉ họ, mà cả cộng đồng Việt phải gánh!

Tags:
Chàng trai 9X Việt sau 5 năm giành học bổng toàn phần ĐH Oxford: Là kỹ sư công nghệ của Facebook, Amazon

Chàng trai 9X Việt sau 5 năm giành học bổng toàn phần ĐH Oxford: Là kỹ sư công nghệ của Facebook, Amazon

23 tuổi, Lê Quốc Minh tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Oxford (Anh) và là kỹ sư công nghệ của Facebook, Amazon.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất