知っている?Bạn có biết không? Dành cho những người đang ở Nhật

1. Hợp đồng thuê nhà thường là 2 năm nhưng nếu muốn huỷ hợp đồng không bị phạt thì chỉ cần báo trước 1 tháng. (Update: có một vài công ty bất động sản đặc biệt (rất ít thôi) thay vì bắt đóng tiền ban đầu và không cần bảo lãnh thì hợp đồng yêu cầu phạt tiền nếu huỷ hợp đồng trước thời hạn. Xem kỹ hợp đồng).

2. Nhân viên chính thức muốn bỏ/chuyển công ty chỉ cần báo trước 1 tháng, không công ty nào có thể giữ người cả. (Update: Thực tập sinh kỹ năng thì trong năm đầu tiên cần có lý do bất khả kháng: ốm đau, gia đình có việc … Từ năm 2 trở đi có thể thôi bất cứ lúc nào. Xin tư vấn với nghiệp đoàn của mình). Xem thêm: [ Thôi việc như thế nào? ] https://www.facebook.com/groups/CongdongVietNhat/permalink/1551203748229630/

2-2. Bình thường xin việc, giới thiệu việc, chuyển việc, thôi việc là miễn phí (mất phí là có vấn đề). Nhiều thủ tục hành chính cũng là miễn phí. Xem thêm: https://www.facebook.com/groups/CongdongVietNhat/permalink/1438452456171427/

3. Tất cả các giấy tờ tiếng Việt để nộp cho phía Nhật (tại Nhật) hầu như không cần công chứng, chỉ cần dịch chính xác nội dung. Có thể tự mình dịch nếu có tự tin và tự chịu trách nhiệm.

4. ĐSQ Việt Nam tại Nhật hầu như không thể gọi điện được, nhưng có thể hỏi điều tương tự nếu gọi điện lên Lãnh Sự Quán (LSQ) VN tại Osaka, Fukuoka. Kể cả làm các thủ tục qua đường bưu điện cũng vậy, không có quy định nào bắt buộc bạn phải làm ở ĐSQ cả.

5. Có thể xin tư vấn về tư cách lưu trú, visa với chính Cục Xuất Nhập Cảnh mà không sợ bị ảnh hưởng gì đến tư cách visa của mình (trừ khi đang là tội phạm), và miễn phí.

 

6. Nếu gặp vấn đề rắc rối khi mua bán hàng hoá hoặc mua bán dịch vụ, có thể đến xin tư vấn ở chính quận/thành phố nơi mình ở được giảm, miễn, trả lại tiền, bồi thường…. Hỏi 消費者センター (shouhisha-senta).

7. Nếu gặp lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của cá nhân, phải báo cho cảnh sát và ngân hàng. Cảnh sát sẽ điều tra mất thời gian, nhưng ngân hàng sẽ khoá tài khoản đó lại không cho sử dụng nữa. Càng nhanh càng tốt. (nhớ hạn chế mua bán cá nhân!)

8. Nếu học trường semmon hoặc đại học, đại học ngắn hạn thì có thể được miễn đóng phí Nenkin (niên kim, bảo hiểm hưu) trong thời gian học.

9. Học sinh trường tiếng Nhật, tuỳ trường mà có thể không được hưởng giá vé học sinh, vì vậy nên hỏi trước khi quyết định trường.

10. Nếu có bằng lái xe oto của Nhật và có thể mượn xe của người quen mà xe họ không bảo hiểm, có thể tự mua bảo hiểm oto có giá trị trong 24 tiếng với khoảng 500 Yên. Ra 7-eleven.

11. Nếu mua vé tàu/xe bus theo tháng (vé tháng) thì có thể đi lại miễn phí không hạn chế số lần không chỉ 2 ga/bến đầu cuối mà còn tất cả các ga/bến ở giữa.

12. Mua đồ ở siêu thị lúc chiều tối thường là được giảm giá khá nhiều.

13. Mua đồ điện ở quầy miễn thuế chưa chắc đã là rẻ.

14. Nếu làm thẻ hội viên (miễn phí) ở các cửa hàng điện máy lớn thì có thể được tích được point (điểm) khá nhiều, cỡ 10% trở lên.

15. Nếu làm thẻ tiền điện tử (miễn phí, hoặc vài trăm Yên/năm) thì mua hàng ở combini, máy bán tự động… có thể tích point (điểm) cỡ 1%. Vừa đỡ phải dùng tiền mặt, hạn chế tiêu tiền lẻ, vừa được lợi chút xíu.

16. Xem phim ở rạp khá đắt nhưng nếu là học sinh thì được giảm giá. Không chỉ thế, tuỳ rạp mà có nhiều hình thức giảm giá: ngày 1 mỗi tháng (hầu hết các rạp), 1 ngày nào đó mỗi tuần, ngày cho khách nữ mỗi tuần (lưu ý, không có ngày cho khách nam!), ngày thường, ngày …

17. Đi du lịch ở Nhật đừng chỉ chú trọng giảm tiền tàu xe. Tiền ở khách sạn cũng khá đắt nhưng khách sạn Nhật khác khách sạn nước khác ở chỗ thường có suối nước nóng (onsen) và bữa ăn cực ngon, nên bản thân khách sạn là yếu tố thưởng thức du lịch. Bởi vậy, nếu ở khách sạn Nhật thì nên mua tour hoặc mua gói du lịch (package) thì có thể rẻ hơn.

18. Đi du lịch xa bằng đường sắt thì ít giảm được chi phí. Nếu đi xa (trên 100km) thì học sinh chỉ được giảm 20%, còn không thì đành đi tàu thường nhưng sẽ tốn thời gian. Nên tiết kiệm bằng cách đi bus: nhanh hơn tàu thường và rẻ hơn tàu nhanh.

19. Có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ đi lại khắp nước Nhật. Nếu mua vé sớm trước từ 2 tuần trở lên thì thậm chí có thể mua cả JAL hoặc ANA với giá rẻ tương tự.

20. Trong vòng 1 năm sau khi chuyển nhà có thể được bưu điện chuyển bưu phẩm gửi đến địa chỉ cũ sang địa chỉ mới, miễn phí.

21. Xin lại xe đạp mà không xin cả phiếu đăng ký số xe (防犯登録), hoặc tự ý nhặt xe đạp bỏ đi ngoài đường, thì sẽ có ngày bị cảnh sát sờ gáy.

22. Người nước ngoài hoàn toàn có thể tự do mua nhà ở Nhật, miễn là có tiền. Tuy nhiên để được vay tiền mua nhà thì phải có visa vĩnh trú hoặc làm việc ở công ty lớn, đã làm việc ổn định vài năm.

23. Là học sinh thì khó có thể mua bảo hiểm nhân thọ ở Nhật nhưng có thể mua bảo hiểm du học tại VN. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

24. Nếu đang đi làm, xem các chế độ phúc lợi xã hội của công ty mình. Nhiều công ty tốt, nhất là các công lớn, có nhiều chế độ phụ cấp hoặc sử dụng các dịch vụ phúc lợi bên ngoài rất ưu đãi.

25. Nếu đang đi làm, có thể giảm thuế thu nhập nếu nhận bố mẹ ở VN làm người phụ dưỡng, với điều kiện chứng minh thu nhập của bố mẹ thấp dưới 38 vạn Yên/năm và có chứng minh chuyển tiền về VN cho bố mẹ thì sẽ được giảm thuế thu nhập và thuế dân cư vài vạn đến vài chục vạn Yên, tuỳ thu nhập. (update: Cách làm: nói với phòng 人事 (jinji) của công ty là 扶養家族 (fuyou-kazoku) を申請 (shinsei) したい.)

26. Nếu trong vòng 2 năm sau khi về VN thì có thể lấy lại khoảng 50% phí niên kim đã đóng (nhưng nhiều nhất chỉ phần của 36 tháng), nhưng hơi rắc rối. (tức là: sẽ nhận được lại 1 khoản tiền 1 lần bằng khoảng 50% phí niên kim mỗi tháng đã đóng x 36 tháng).

27. Nếu đóng niên kim trên 36 tháng và dưới 25 năm (không làm việc ở Nhật trên 25 năm ^^) thì sẽ không được hưởng lương hưu, coi như phí tiền bảo hiểm niên kim này. Niên kim khi này sẽ chỉ có giá trị đảm bảo trợ cấp trong 6 năm cho vợ/chồng/con trong trường hợp tử vong và thương tật nặng mà thôi. Đành vậy, cho đến khi nào Nhật đổi luật. (update)…Vừa viết điều trên thì đã có thông tin về dự luật giảm xuống 10 năm. Tốt quá. https://www.facebook.com/groups/CongdongVietNhat/permalink/1475908872425785/

… chưa nghĩ ra hết.

Nguồn: Cộng đồng Việt Nhật ( Vietnam-Japan community )

Tags:
7 dụng cụ làm đẹp ‘dị hợm’ chỉ có ở Nhật Bản, đấng mày râu biết công dụng sẽ ‘toát mồ hôi’

7 dụng cụ làm đẹp ‘dị hợm’ chỉ có ở Nhật Bản, đấng mày râu biết công dụng sẽ ‘toát mồ hôi’

Mặc dù ý tưởng của những món đồ này rất hay, nhưng khi nhìn vào thì chắc chắn bạn sẽ phải toát mồ hôi hột.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất