Bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Hiệu quả và cách dùng khẩu trang đề phóng với virus corona
Sự lo lắng trước dịch bệnh do chủng virus mới thuộc họ Corona (nCoV) đã thôi thúc nhiều người mua khẩu trang, dẫn đến “cháy hàng”, “sạch kho” ở nhiều nơi trên thế giới. Tình hình này cũng làm giá khẩu trang tăng lên đáng kể do chênh lệch cung – cầu, một phần do nỗi sợ hãi không được trấn an của công chúng.
Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh soi xét nhiều khía cạnh về lợi hại của việc dùng khẩu trang để tránh tốn tiền vô ích và giúp món hàng đang khan hiếm này đến được tay người thật sự cần. Bài viết sau có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về hiệu quả thật sự của khẩu trang trong phòng bệnh, kèm lưu ý quan trọng khi dùng những mặt hàng này.
Thị trường Việt Nam hiện đang có rất nhiều loại khẩu trang với thiết kế khác nhau, bao gồm cả những loại bằng vải “tự chế” mà bà con hay mang khi đi xe máy. Trong phòng ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp, có 2 loại khẩu trang chính thống hay được nói tới.
Loại thứ nhất là khẩu trang y tế/khẩu trang ngoại khoa (surgical mask) với 3 lớp mà lớp ngoài thường có màu xanh hoặc vàng.
Loại thứ hai là N95 (N95 respirator). N95 có nghĩa là lọc được 95% bụi mịn 0.3 micron trong không khí, tức N95 về lý thuyết có thể lọc không khí tốt hơn khẩu trang y tế, nhưng thành tích thực sự trong phòng chống bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng thì chưa rõ và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Hình 1. Khẩu trang y tế và khẩu trang N95.
Hiệu quả của 2 loại khẩu trang
Theo một nghiên cứu phân tích tổng hợp vào năm 2017, cả 2 loại khẩu trang nói trên đều hữu ích trong việc ngăn chận sự lây lan mầm bệnh đường hô hấp nhưng N95 không nổi trội hơn trong phòng ngừa lây bệnh do virus bao gồm cúm/influenza.
Vì con đường lây nhiễm chủ đạo của coronavirus là qua tiếp xúc (tay dính mầm bệnh rồi đưa vào miệng/mũi/mắt) và qua giọt bắn (ho/hắt xì bắn mầm bệnh ra xung quanh), nhiều chuyên gia nói rằng khẩu trang y tế là đủ hiệu quả ở mức cộng đồng.
N95 không tốt hơn và người dân đừng sốt sắng chạy theo lời quảng cáo “lọc không khí tốt” đang được đồn thổi.
Liên quan tới vấn đề này, chúng ta cần lưu ý thêm vài điểm như sau:
N95 khó dùng: Để đạt hiệu quả “lọc khí tốt”, N95 phải được đeo khít kín khuôn mặt. Theo kinh nghiệm của nhiều nhân viên y tế, nếu đeo mà thấy thoải mái dễ chịu (không thấy hơi ngộp thở) thì thường là… đeo không đúng. Cũng vì lý do này, những người sử dụng thường phải làm “fit test” khá phức tạp để xem đeo có đúng chưa.
Ngoài ra, N95 không phù hợp với trẻ con vì khuôn mặt nhỏ, và thường giảm hiệu quả ở người có nhiều lông mặt (râu quai nón) do không đeo khít. Việc bịt kín cũng gây khó thở và người có bệnh phổi, bệnh tim mạch thường không thể đeo lâu.
N95 dễ dùng sai: N95 có giá thành mắc và ít nguồn cung, nên người dùng có xu hướng mang kéo dài, thậm chí xài lại nhiều lần khẩu trang này. Tuy nhiên, việc làm này mang nguy cơ lây truyền mầm bệnh qua tiếp xúc do chạm vào bề mặt bị nhiễm bẩn của khẩu trang.
Đã có nghiên cứu cho thấy trong một ca trực, điều dưỡng chạm trung bình 25 lần vào mặt, mắt hoặc khẩu trang và không khó hình dung các vi sinh vật gây bệnh trên bề mặt khẩu trang có thể lây truyền cho người mang lẫn… người khác khi khẩu trang được xài lại/xài lâu ngày.
Như vậy, dù khẩu trang có được chứng minh là “lọc khí tốt hơn” trong phòng thí nghiệm nhưng khi áp dụng thực tế vẫn có thể không khác gì… “hàng mã” vì dùng sai cách. Điều này cũng đúng đối với khẩu trang y tế thông thường, và độc giả có thể tham khảo thêm cách đeo khẩu trang đúng như video đính kèm.
– Rửa tay trước khi đeo khẩu trang
– Đeo đúng mặt và đúng chiều
– Kéo khẩu trang che kín mũi-miệng-cằm
– Ép gọng kim loại để áp sát khẩu trang vào sống mũi
– Thay khẩu trang thường xuyên hoặc khi khẩu trang bị bẩn hoặc ướt
– Chỉ chạm dây đeo tai khi tháo/thay khẩu trang
– Rửa tay sau khi bỏ khẩu trang vào thùng rác
Video hướng dẫn đeo khẩu trang y tế
Dùng khẩu trang CỘNG VỚI rửa tay mới hiệu quả!
Ngoài ra, như trong video đính kèm, các chuyên gia luôn khuyến cáo tuân thủ các phương pháp hạn chế lây lan “kinh điển” đã biết như rửa tay sạch sẽ và giữ lịch sự khi ho/hắt hơi.
Một nghiên cứu khác năm 2010 cho thấy việc đeo khẩu trang CỘNG VỚI rửa tay có thể giảm bệnh cúm (influenza) hữu hiệu, từ 31%-51%.
Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu chỉ đeo mỗi khẩu trang thì không đủ khả năng phòng bệnh. Điều này không khó hiểu vì con đường lây nhiễm chủ đạo của coronavirus là qua tiếp xúc và qua giọt bắn; chúng ta cần kết hợp đeo khẩu trang VÀ rửa tay đúng cách, đúng thời điểm thì việc phòng ngừa mới hiệu quả.
Ai cần mang khẩu trang?
Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng cần trả lời trước tiên là “Ai mới cần mang khẩu trang?”
Việc phòng bệnh có cần thiết không, có hiệu quả không, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nguy cơ; nếu không có nguy cơ thì việc phòng bệnh là vô ích về mặt đầu tư, thậm chí còn gây hại.
Việc này cũng giống như chuyện đội mũ bảo hiểm: khi bạn đang ngồi trong nhà, nguy cơ bị xe đụng là cực kỳ thấp thì đội mũ bảo hiểm chỉ làm bạn thêm khổ, thậm chí còn có thể bị cho là…hâm.
Trước tình hình cộng đồng đổ xô mua khẩu trang, Bộ Y tế một số nước đã đưa ra khuyến cáo như sau (Hình 2):
– Những người bị sốt, ho hoặc sổ mũi hoặc bệnh nhân đang hồi phục cần mang khẩu trang vì đây là cách tốt để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh cho người khác.
– Người khỏe mạnh không cần mang khẩu trang, trừ khi phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là người đang ho/hắt hơi mà không mang khẩu trang.
– Ngoài ra, có thể cân nhắc mang khẩu trang khi đi vào chỗ đông người, trong phòng kín vì bạn không lường trước nguy cơ nhiễm bệnh ở môi trường đó.
Hình 2. Khuyến cáo về dùng khẩu trang dành cho người dân ở Singapore
Như vậy, đeo khẩu trang không chỉ đơn thuần là “thấy người ta làm mình cũng làm”, mà cần cân nhắc xem mình có thuộc nhóm có nguy cơ cần phải đeo không. Đeo khẩu trang như thế nào cho đúng cũng rất quan trọng và cần kết hợp rửa tay sạch sẽ để việc đầu tư vào phòng bệnh có hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo
https://www.foxnews.com/health/corinavirus-outbreak-major-us-cities-surgical-mask-shortages
Offeddu V, Yung CF, Low MSF, et al. Effectiveness of Masks and Respirators Against Respiratory Infections in Healthcare Workers: A Systematic Review and Meta-Analysis. Clin Infect Dis. 2017 Nov 13;65(11):1934-1942.
Aiello AE, Murray GF, Perez V, et al. Mask use, hand hygiene, and seasonal influenza-like illness among young adults: a randomized intervention trial. J Infect Dis. 2010 Feb 15;201(4):491-8.
How to perform a particulate respirator seal check. Geneva: World Health Organization; 2008. http://www.who.int/csr/resources/publications/respiratorsealcheck/en/
https://www.techarp.com/science/face-masks-air-pollution/ (Hình 1)
Website Bộ Y Tế Singapore: http://www.moh.gov.sg/ (Hình 2)
Video hướng dẫn đeo khẩu trang y tế: https://www.youtube.com/watch?v=OABvzu9e-hw
Theo: isenpai.jp
Liệu người Nhật có thể chấm dứt làm việc cật lực?
Nhân viên ở quốc gia có văn hóa công sở tàn bạo dẫn đến nhiều cái chết đang bắt đầu suy nghĩ lại.