Bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Nhật nói gì về vắcxin chữa ung thư của Nhật?
Tuy nhiên, thực hư của loại sản phẩm này ra sao, có đúng như những gì quảng cáo hay không?, cùng Suckhoedoisong.vn trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa ung thư hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản và cố vấn tổ chức nghiên cứu ung thư tại Mỹ để tìm hiểu rõ hơn.
Trước khi quyết định dùng sản phẩm mới bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ
BS. Phạm Nguyên Quý, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản và cũng là một thành viên trụ cột của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Dự án Y học cộng đồng, cho biết, trong một tuần anh nhận được 3 câu hỏi của bệnh nhân Việt Nam và người thân của họ về việc có nên sang Nhật chích vắcxin làm từ khối u để chữa ung thư không. Vì họ nhận được lời quảng cáo bên Nhật có loại vắc xin có thể chữa được ung thư.
Bs Quý cho hay: Những người hỏi nói với anh rằng họ nhận được lời giới thiệu vắcxin này có công dụng tuyệt vời chữa được rất nhiều loại ung thư, hoặc ngừa ung thư tái phát. Sản phầm này đã được chính phủ Nhật Bản công nhận và được cấp phép đặc biệt để chữa cho người Việt Nam. BS. Quý cho hay, theo như anh được biết tại Nhật, điều trị này nằm ngoài hệ thống bảo hiểm của Nhật, và chưa được PMDA của Nhật (như Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc,FDA ở Hoa Kỳ) công nhận về độ an toàn và hiệu quả.
Vắc xin điều trị ung thư, ngừa ung thư được quảng cáo trên mạng
"Việc nghĩ rằng người Nhật "nhân đạo" đặc biệt giúp người Việt Nam tiếp cận điều trị sớm hơn cũng rất đáng ngờ". Bs. Quý nói.
Bên cạnh đó, BS Phạm Nguyên Quý cũng chia sẻ, ở Nhật Bản các bác sĩ thường chỉ khuyến khích bệnh nhân điều trị thuốc nằm trong phạm vi bảo hiểm bởi những hiệu quả chắc chắn và cao nhất (không phải 100% nhưng là cao nhất đã được chứng minh) với số tiền mà bệnh nhân trả là thấp nhất ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, khái niệm “ điều trị tốt” ở Nhật cũng đồng nghĩa với việc “điều trị được bảo hiểm chi trả”. Khi những thuốc được bảo hiểm chi trả có nghĩa là thuốc điều trị đó đã có đầy đủ số liệu chứng minh hiệu quả thực sự trên nhóm bệnh nhân cụ thể (vượt qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng).
Ts.Bs Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản, hạt nhân của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Dự án Y học cộng đồng
Một điều nữa, bác sĩ của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư cũng lưu ý các bệnh nhân, khi người nhà bệnh nhân đang ở trong tâm lý “có bệnh vái tứ phương” mà lại gặp được lời quảng cáo có vắc xin chữa và phòng được ung thư như vậy thì sẽ rất quan tâm.
Tuy nhiên, nếu không phải là người trong ngành thì sẽ rất khó phân biệt, kiểm chứng. Bởi, vắc xin ung thư như lời giới thiệu là có thật và chúng cũng đã được nghiên cứu lâm sàng ở một vài tình huống cụ thể (như ngăn tái phát ung thư gan sau mổ), nhưng số liệu ở tình huống cụ thể đó là chưa đủ độ tin cậy, và cũng không áp dụng ra các loại ung thư khác hay ở tình huống khác.
Vì thế, bệnh nhân vẫn cần có tư vấn của bác sĩ điều trị và hỏi thêm ý kiến thứ hai từ những bác sĩ khác. Ngoài ra, với những bệnh nhân tìm đọc được tài liệu tiếng Anh thì nên vào các website chính thống của các Hiệp hội ung thư của Mỹ và Châu Âu, xem hướng dẫn điều trị có ghi phương pháp đó không, bảo hiểm ở nước ngoài có trả cho phương pháp đó không. Tôi nghĩ rằng đó là những việc cơ bản cần làm trước khi đầu tư số tiền lớn vào các phương pháp điều trị “được cho là tiềm năng”.
Phải chắc chắn rằng thuốc đó đã được cấp phép từ các tổ chức của chính phủ
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Hồng Vũ,Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cũng bày tỏ quan điểm, hướng điều trị ung thư mới hiện nay đang được quan tâm là kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hướng này càng được nhiều người“để ý” và biết đến hơn khi hai nhà khoa học Allison và Honjo nhận giải Nobel Y Học năm 2018 có công trình nghiên cứu cũng về lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng vì thế mà trên "chợ đen" cũng không ít các sản phẩm được quảng cáo là điều trịphòng ngừa ung thư dựa trên việc kích hoạt miễn dịch đang được nở rộ trên mảnh đất màu mỡ "người bệnh ung thư".
TS.Nguyễn Hồng Vũ,Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tiến sĩ Vũ cũng cho hay, mọi loại thuốc được thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng thành công trên động vật, tuy nhiên đó chỉ là điều kiện CẦN để phát triển tất cả các loại thuốc sử dụng trên người hiện nay, chứ CHƯA phải là điều kiện đủ để áp dụng ngay, trực tiếp trên người một cách rộng rãi vì lý do an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất các thuốc sử dụng trên người phải đảm bảo được tất cả các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn cũng như chất lượng được quy định bởi các cơ quan chính phủ. Ngoài ra, các thông tin về kết quả thử nghiệm lâm sàng, thông tin về việc cho phép lưu hành, độ an toàn, phản ứng phụ của một thuốc điều trị nào đó đều phải được dễ dàng tìm thấy trên các tạp chí chuyên ngành và các thông báo của chính phủ.
Theo đó, TS. Vũ khuyến nghị người bệnh cũng như người nhà cần lưu ý khi được giới thiệu các sản phẩm mới, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư, trước hết phải tìm hiểu thuốc đó có phải được cấp phép từ các tổ chức của chính phủ (như FDA của Mỹ, PMDA của Nhật,...) để bảo đảm thuốc đó an toàn và hiệu quả. “Điều quan trọng nhất là mọi người cần tỉnh táo để không bị vào cảnh “tiền mất tật mang”. Ts Vũ nói.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Đời này, ta còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần nữa?
Có nhiều người ở xa quê, mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một vài lần. Nhưng cũng có người sống gần bố mẹ ngay trong cùng một thành phố mà cũng chẳng có thời gian tới thăm bố mẹ được vài lần trong năm.