Ăn cắp đồ đến bán hộ chiếu: Không thể tưởng tượng du học sinh Việt tại Nhật Bản

Kẻ bán và người mua hộ chiếu phải biết rằng họ đang vi phạm pháp luật cả trong và ngoài nước một cách nghiêm trọng.

Câu chuyện bắt đầu từ 2/4/2014, khi tôi nhận được mail từ con trai một anh bạn đang du học tại Nhật Bản hỏi về vấn đề mất hộ chiếu. Vốn từng là phóng viên VOV thường trú tại Tokyo, tôi nắm rõ thủ tục và tư vấn cho cháu đầy đủ.

Ngay sau đó tôi nhận được mail trả lời và nội dung khiến tôi giật mình. "Dạ, cháu thì không mất bác ạ. Bạn cháu bị mất, đã báo với cả cảnh sát nhưng bây giờ bên này phát sinh vấn đề người Việt mình bán hộ chiếu nên họ bảo phải điều tra thủ tục này khác. Có khi nửa năm vẫn chưa được cấp lại bác ạ ".

Tôi giật mình, vì tôi mới về nước được vài năm, mà hồi còn ở bên đó, lưu học sinh và người lao động Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Giờ đến mức bán cả hộ chiếu của mình thì thật không tưởng tượng nổi!

Ăn cắp

Đang lúc băn khoăn, thì một chị chuyên gia hiệu đính người Nhật đến. Không ngồi ngay vào bàn làm việc, chị đến bàn tôi nhờ giải nghĩa cho từ "cảnh cáo" trong tiếng Việt. Tôi đang say sưa giải thích thì chị ngắt lời: "Thế, trong ảnh này thì nghĩa là gì?" và chìa cho tôi xem bức ảnh chụp tấm bảng có cả tiếng Việt và tiếng Nhật với nội dung: "Cảnh cáo: ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt sẽ bị phạt tù dưới 10 năm..."

Chị nói thêm: "Gần đây tại nhiều siêu thị, cửa hàng Nhật Bản nơi có người Việt Nam sinh sống người ta niêm yết những bản này đấy. Chả là người Việt..." rồi chị ngắt ngang câu, chắc là do nhìn thấy nét mặt sững sờ của tôi lúc đó hoặc cảm thấy ngại ngùng.

Tại Nhật, các niêm yết chỉ dẫn (tạm gọi là chính thống và lành mạnh, không phân biệt đối xử) chủ yếu là bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Vài năm lại đây để thu hút thêm khách du lịch Hàn Quốc, ở một vài nơi mới sử dụng cả tiếng Hàn.

Còn niêm yết (tạm gọi là cực đoan) bằng tiếng Việt như thế này là ngoại lệ đầu tiên. Nó cho thấy mối bức xúc thực sự của người Nhật - những người vốn tính biết nhẫn nhịn, thông cảm và rất ít khi tỏ thái độ kỳ thị.

Tìm hiểu thêm qua truyền thông Nhật Bản, tôi mới biết là gần đây xảy ra hàng loạt vụ bắt giữ người Việt Nam tại Nhật Bản do ăn cắp tại siêu thị. Nghiêm trọng hơn là vụ cảnh sát Tokyo tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi cô này buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời khám xét văn phòng của VNA tại Tokyo.

Chỉ cần có khả năng tư duy ở mức "nhị đoạn luận" cũng có thể suy ra cảnh sát Nhật Bản sẽ đặt giả thuyết là có một tổ chức tội phạm khép kín, liên hoàn của người Việt Nam tại Nhật Bản trong việc ăn cắp, tiêu thụ hàng hóa từ các siêu thị và mở rộng điều tra theo hướng này.

Nhật Bản, trộm đồ siêu thị, tiếp viên hàng không, đồ xách tay, VNA, hộ chiếu, du học sinh

Tấm biển cảnh báo tại siêu thị Nhật viết cả tiếng Việt

Chuyện nghiêm trọng hơn

Ngay trong chiều 2/4, tôi lại được nghe một câu chuyện khiến tôi tự thấy có trách nhiệm phải viết bài này như một hồi còi báo động.

Chị bạn tôi có 2 con đang du học Nhật, kể lại con trai cả đã tốt nghiệp đại học tại Nhật và hết hạn Visa. Đáng lẽ phải về nước nhưng cháu trốn ở lại với mục đích làm việc kiếm thêm tiền rồi mới về.

Sau đó em gái cháu cũng sang du học. Tại Nhật, cháu gặp và yêu một nam sinh viên VN. Qua một thời gian, thấy tính cách và nhiều thứ không hợp nhau, cháu muốn chia tay thì anh chàng kia quay ra đe dọa: "Nếu mày không yêu tao, không cho tao nữa, tao sẽ báo cảnh sát bắt anh trai mày v.v... và v.v...".

Từ câu chuyện trên tôi rút ra hai dữ kiện. Một là, ở Nhật Bản đã xuất hiện người VN cư trú bất hợp pháp và coi chuyện đó là thường tình. Hai là, ngay trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản cũng có lối hành xử như anh chàng người yêu cũ của con chị bạn tôi - đi tìm bạn đời bằng phương pháp... "cưỡng hiếp".

Móc nối dữ kiện đầu với việc có người bán cả hộ chiếu như lời kể của con trai anh bạn tôi, tôi thấy chúng thật logic. Người cư trú bất hợp pháp thì hộ chiếu làm gì còn hạn, vả lại, có muốn gia hạn cũng không được. Có cầu thì có cung. Đó là quy luật.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3/2013, có tới 1.110 người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại nước này và còn chưa rõ tung tích.

Cả kẻ bán và người mua hộ chiếu phải biết rằng họ đang vi phạm pháp luật cả trong và ngoài nước một cách nghiêm trọng. Bởi, hộ chiếu không chỉ là giấy tờ tùy thân của một cá nhân, mà còn là tài sản quốc gia. Điều này được ghi rất rõ trong các loại hộ chiếu mà nước ta phát hành hiện nay.

Hệ lụy

Trước tiên, phải khẳng định, những hiện tượng nêu trên chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Và một vài vụ ăn cắp, tham nhũng, vi phạm pháp luật thông thường không thể gây đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao, nhưng ảnh hưởng xấu là chắc chắn.

Như chúng ta đều biết, mối quan hệ Việt - Nhật đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Người dân hai nước dành những tình cảm thân thiện cho nhau.

Hai nước cũng vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao một cách thành công rực rỡ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các bạn Nhật. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy ba tháng đã xảy ra hàng loạt sự kiện nhức nhối. Chẳng lẽ những người vi phạm không lường trước hậu quả?

Thiệt hại đầu tiên và trực tiếp là: nếu bị phát hiện, người vi phạm sẽ chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật hai nước. Tiếp theo là những thiệt hại về kinh tế cho cả cộng đồng. Nếu tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục vi phạm pháp luật và hiện tượng này lan rộng ra thì hậu quả chắc chắn là Nhật Bản sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam để đảm bảo an toàn cho người dân trong nước. "Cái ổ mà đổ thì trứng làm gì còn".

Và, trên hết là những ảnh hưởng tới hình ảnh của người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Chắc nhiều người trong số chúng ta còn nhớ những câu chuyện tiếu lâm, hò vè về những lao động xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu cách đây hai ba mươi năm, đại loại như: "Ăn nhanh đi chậm hay cười, chuyên mua đồ cũ là người Việt Nam"...

Nhưng đó là cái thời bao cấp đói kém, ra nước ngoài chỉ chăm chăm mua hàng gửi về giúp đỡ gia đình trong nước, mà cũng chỉ mua đồ cũ thôi chứ ăn cắp thì ít lắm. Vậy mà ngày nay khi đất nước ngày một lớn mạnh, vị thế của Việt Nam đang lớn dần lên, những chuyện "mất mặt" lại xuất hiện ở mức độ nghiêm trọng, lan rộng hơn.

Thay lời kết

Khi viết bài viết này, tôi quyết định sẽ nhờ một tờ báo điện tử đăng tải với mục đích là để các bạn trẻ, vốn thông thạo Internet, dù có ở Nhật Bản hay sắp đi nước ngoài đọc được và rút ra những điều bổ ích cho mình. Từ "quốc sỉ" không hề xa xôi, viển vông hay giáo điều, mà nó nằm ngay trong tay các bạn, trong những hành vi nhỏ nhất của bạn, những "Đại sứ nhân dân" của Việt Nam.

Cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyên truyền giáo dục, những quy định cụ thể đối với công dân Việt Nam khi ra nước ngoài, bao gồm cả khách du lịch ngắn ngày để giúp mọi người ý thức được đầy đủ hơn hai từ "Quốc sỉ".

Tuấn Nhật/Vietnamnet

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất