“Note ngay” bí kíp du lịch Nhật Bản 7 ngày 6 đêm siêu tiết kiệm

Chuẩn bị sẵn tiền mặt, mua thẻ đi tàu, tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản… là những điều quan trọng trước khi bạn đặt chân đến xứ hoa anh đào.

1. VISA ĐI NHẬT:

Nhà mình tự làm visa theo diện đi du lịch, phí hiện tại là 650k/ người. ĐSQ Nhật chỉ nhận hồ sơ vào buổi sáng, lịch làm việc cụ thể được cập nhật trên trang web của ĐSQ.

Về hồ sơ làm visa: Hồ sơ nhà mình chuẩn bị bao gồm:

  •  Lịch trình: càng chi tiết càng tốt và nên có thêm địa chỉ khách sạn
  •  Bản in vé máy bay và đặt phòng khách sạn
  •  Bản sao giấy khai sinh của trẻ em đi kèm
  •  Bản sao hộ khẩu
  •  Bản sao giấy chứng nhận kết hôn
  •  Đơn xin nghỉ phép đi du lịch: có chữ kí, dấu xác nhận của cơ quan
  •  Các giấy tờ khác theo yêu cầu của ĐSQ:

(1) Hộ chiếu

(2) Tờ khai xin cấp Visa 1 tờ (download trên trang web của ĐSQ): Điền sẵn ở nhà, lúc đến nộp đỡ mất thời gian

(3) 01 ảnh 4,5cmx 4,5cm

(4) Tài liệu chứng minh mối quan hệ bạn bè: không cần vì mình xin theo diện du lịch

(5) Tài liệu chứng minh khả năng chi trả kinh phí cho chuyến đi:

+ Giấy chứng nhận thu nhập do cơ quan có thẩm quyền cấp: Xác nhận công tác và lương

+ Giấy chứng nhận số dư tiền gửi ngân hàng: Chứng minh tài chính (sao kê tiền gửi hoặc tài khoản ngân hàng)

Việc tự xin visa có thể dễ hơn nếu hồ sơ của bạn có một số điểm sau (tạo ấn tượng cho nhân viên ĐSQ rằng mình không phải diện trốn ở lại):

  • Có trẻ em đi kèm

  • Nhân viên cơ quan sở mỏ

  • Trong hộ chiếu đã từng đi nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Hàn Quốc, Âu, Mỹ, Úc… hoặc đã từng đi Nhật

Khi đến xin visa thì tất cả người lớn cần có mặt, nên ăn mặc kín đáo, lịch sự, nữ trang điểm nhẹ nhàng (Style của Nhật là quần ống rộng, áo sơ mi cắm thùng với nữ; sơ mi, quần âu với nam). Nhân viên ĐSQ sẽ hỏi một vài câu ngay tại cửa nộp hồ sơ chứ không mời phỏng vấn hẳn như đi Mỹ. Sau khi nhận hồ sơ, nhân viên ĐSQ sẽ đưa giấy hẹn, đến ngày hẹn thì mình tới lấy hộ chiếu đã cộp visa.

2. PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG Ở NHẬT:

Phổ biến nhất là tàu điện ngầm, với mình đi tàu điện ở Nhật hơi khó đi do nhiều nơi chỉ có hướng dẫn bằng chữ Nhật. Thường mình luôn hỏi người dân đang đứng đợi cho chắc, vì bao giờ 1 line cũng có 2 chiều, nếu đi nhầm chiều thì tha hồ mua giờ.

Cũng như ở các nước giao thông phát triển khác, việc mua vé tàu điện có thể mua ở máy bán vé tự động, nhưng lưu ý là không phải máy nào cũng có tiếng Anh. Có loại vé ngày – chỉ mất tiền mua 1 lần nhưng sẽ được đi bất cứ tuyến tàu nào trong vòng 1 ngày, nhưng có điểm hạn chế là không dùng cho các line tàu khác nhau được. Với vé theo lượt thì tùy theo khoảng cách, giá vé mỗi lần đi sẽ khác nhau, dao động từ 2-14 ¥/lượt. Trong trường hợp bạn cần mua vé tới đâu đó mà xung quanh toàn tiếng Nhật thì có thể nhờ người dân địa phương bấm hộ bằng cách đọc tên ga tàu muốn đến.

Ở một số thành phố không mang tính đô thị lắm như Kyoto, Osaka thì xe bus lại phổ biến hơn. Các xe đều có biển điện tử chạy tên bến rất rõ ràng, tới bến nào tài xế cũng hô to tên bến đó. Tại nhiều nhà chờ còn có bảng điện tử báo tình trạng di chuyển của các chuyến sắp tới. Với xe bus thì dài ngắn đều tính phí như nhau cho 1 lượt lên xe, trừ một số tuyến đặc biệt xa như từ trung tâm Kyoto tới Arashimaya, và cũng có One-day ticket với giá tầm 500-600 ¥/ngày (vé trẻ em dưới 12 tuổi bằng 1/2 vé người lớn)

Ngoài ra với các điểm du lịch phổ biến đều có thể đặt vé online trọn gói gồm có phí vào cửa và vé đi lại cho các phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm hơn khá nhiều.

Taxi thì đắt ghê gớm, phí mở cửa đã là 600-800¥, nhưng những lúc gấp vẫn phải dùng, gọi bằng cách vẫy y như ở VN.

Và dễ dàng hơn khi đi lại, nên học một số cụm từ phổ biến như Sumimasen (Xin lỗi), Arigato (Cám ơn), Ohaio Gozaimasu (Chào buổi sáng), Konichiwa (Chào các buổi còn lại)…

3. LỊCH TRÌNH 7 NGÀY-6 ĐÊM, 2 NGƯỜI LỚN-1 BÉ 5T:

Ngày 1-3/11/16: Bay tới Nhật-Tokyo

Từ VN tới Tokyo có 2 sân bay là Narita và Haneda, giá vé Haneda thường rẻ hơn 1 chút nhưng mình thích Narita hơn vì 2 lý do: Thứ nhất là bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi Phú Sĩ từ trên máy bay (Fuji Peak), thứ 2 là ngay sát sân bay bắt xe bus tới Aeon Narita là điểm mua sắm tuyệt vời – ở đây có nhiều đồ mà các nơi khác ở Nhật không có bán. Nếu không bay đêm thì coi như ngày đầu tiên tại Nhật chỉ đủ thời gian để lượn đi mua sắm và ngắm nghía đường phố 1 chút.

Với mình thì mình thích thuê khách sạn ở Shinjuku nhất vì khu này vừa là trung tâm, vừa có khu chợ đêm rất vui.

Ngày 2: Vòng quanh Tokyo

Buổi sáng lên tàu điện ghé National Museum of Nature and Science và Ueno Zoo, hai điểm này cách nhau có vài trăm mét nên rất tiện. Tầm đầu giờ chiều bắt tuyến Metro thẳng từ Ueno Station tới Asakusa Station theo Ginza Line. Tới ga Asakusa đi bộ tới đền Asakusa Kannon hay còn gọi là Sensoji, ngôi đền có đôi dép khổng lồ và cây ngân hạnh cổ thụ hồi sinh sau khi bị bom phạt đứt thân. Dọc lối vào là các bức bích họa cổ kể lại sự tích về ngôi đền. Vào trong khu vực chính – điện thờ Quan Âm, bạn nhớ thực hiện 3 nghi thức linh thiêng truyền thống của Nhật: 1. uống nước từ giếng Long thần, 2. ném đồng xu may mắn (phải là đồng xu có lỗ), 3. xoa tượng – ở góc trái từ cổng vào có 1 ngôi đền nhỏ, nơi đây có bức tượng đồng vị La Hán phù hộ cho trẻ con, muốn có con thì xoa bụng, muốn con thông minh thì xoa đầu tượng. Ngoài ra có thể mua quẻ bói hoặc mua lá điều ước để treo lên cây. Bên phải là đền Thần đạo Asakusa Shinto thờ các vị thần trong tôn giáo Shinto cổ của Nhật, đây cũng là điểm thú vị khi cùng một ví trị thờ phụng các thần thuộc 2 tôn giáo khác nhau: Phật giáo và Thần giáo (tương tự như Phật giáo và tục thờ ông Hoàng, bà Mẫu ở Việt Nam).

Quanh lối vào chính điện là khu mua sắm Nakamise với vô số đồ lưu niệm thú vị, giá cả đa dạng; mình thích mua đồ gia dụng như đũa, bát ở đây, ít hàng Tàu hơn ở khu Ginza. Kiến trúc của khu phố này cũng rất đặc sắc, có chú Ninza ngồi trên nóc nhà ở cửa hàng chuyên đồ Ninza, có vỉa hè “nhái” đại lộ danh vọng. Đồ ăn ở đây khá ngon, phổ biến nhất là các quầy đồ nướng, giá cả khá hợp lí, tầm 20-40 ¥/que.

Đã ghé đền Sensoji thì nên cố gắng đi quá thêm 1 chút để thăm tòa tháp Tokyo Skytree, hình như hiện vẫn là tòa tháp cao nhất thế giới. Bạn cần mua vé riêng để lên tầng tham quan, nhà mình thấy xếp hàng đông quá nên thôi. Lúc về bạn có thể ghé bến tàu để đi tàu về lại Shinjuku, cũng là một trải nghiệm rất thú vị, đặc biệt trên đường ra bến có con đường chuông gió đẹp vô cùng.

Ngày 3: Vòng quanh Tokyo – Di chuyển tới Kyoto

Ở Tokyo còn có một đền thờ rất nổi tiếng khác là đền Meiji Jingu nằm trong khu vực quận Shibuya, được coi là ngôi đền của Hoàng gia, địa điểm thờ phụng chính của hoàng thất Thiên Hoàng. Khác với Sensoji, đền Meiji là ngôi đền đặc trưng của thần đạo với cánh cổng gỗ Torii nổi tiếng. Khi tới cầu nguyện bằng cách ném đồng xu, cần thực hiện đúng nghi lễ sau khi ném là vái 2 lần, vỗ tay 2 lần, rồi vái lại lần nữa. Lịch trình dự kiến nhà mình còn có công viên Shibuya Miyashita Park nhưng sát giờ tàu tốc hành Shinkansen đi Kyoto quá nên thôi.

Sau đó thì ra ga Tokyo Station để mua vé Shinkansen tới Kyoto. Với các bạn có sức chịu đựng tốt thì có thể chọn phương án mua vé xe bus đêm, rẻ hơn nhiều và tiết kiệm luôn tiền phòng 1 đêm.

Buổi chiều nhà mình tới Kyoto và check-in khách sạn thì vẫn còn khá sớm, mới khoảng 4h nên quyết định đi bộ tới pháo đài Nijo luôn. Riêng khách sạn Ark Hotel Kyoto thì mình đánh giá là khách sạn tuyệt nhất nhà mình từng ở tại Nhật: sát cạnh ga tàu điện Hankyu Kyoto Line, sát cạnh 1 hàng ăn nhỏ nhưng ngon tuyệt và gần cơ số điểm thú vị khác. Cũng như các pháo đài lớn khác ở Nhật, Nijo xứng đáng với cái tên thành cao hào sâu. Bên trong có các kiến trúc vườn cảnh điển hình của Nhật như khu vườn Seriyun-en gồm nhiền viên đá được sắp xếp xen lẫn với cây cảnh bonsai. Trong khu trung tâm là cung điện Ninomaru, nơi ở của vị tướng quân Mạc phủ lừng lẫy Tokugawa với các bức tranh tường có thể nói là giá trị liên thành, mỗi bức tranh đại diện cho 1 căn phòng – ví dụ hoa lá tuyết nguyệt là phòng ngủ, hổ báo là phòng họp cơ mật. Ra khỏi cung điện, bạn có thể lên tháp canh để phóng tầm mắt ra khu rừng rộng lớn trước pháo đài.

Ngày 4: Kyoto: Arashiyama

Trên tuyến tàu địa phương tới Arashiyama, nhà mình dừng dọc đường để ghé thăm chùa Koryu-ji, ngôi chùa này ít được biết đến nhưng lại chính là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất ở Kyoto. Trong điện chính là nơi hạn chế tham quan, trưng bày các bức tượng Phật cổ và quý hiếm thuộc hàng báu vật quốc gia của Nhật.

Từ chùa Koryu-ji, nhà mình đi bộ tầm 10′ tới phim trường Toei kyoto studio park, nổi tiếng nhất với khu dựng cảnh cổ trang thời Edo – thời thịnh trị của Kiếm đạo Samurai. Trong tòa nhà chính là bối cảnh hiện đại, chủ yếu là phim Gao ồ – loạt phim rất được yêu thích ở Nhật. Tầng 2 là khu trò chơi liên hợp, có trò Ninza Maze leo trèo trong mê cung để sưu tập thẻ Ninza, chơi rất đã. Ngoài ra chơi Dinosaur Hunt, Haunted House và xem phim 4D cũng vui, mỗi tội tốn xèng vô cùng.

Bên ngoài là khu phố dựng lại hình ảnh thời Edo, có cả các bác Samurai chạy ầm ầm và show trình diễn Ninza chiến đấu với Samurai. Chụp ảnh ở đây thì ảo thôi rồi.

Mãi mới lôi được ông con ra khỏi phim trường để thẳng tiến Arashiyama, bước xuống ga cuối là dãy đèn lồng bằng vải Kimono khổng lồ chạy dọc theo con đường Arashiyama Randen, chính là khu rừng Kimono trong truyền thuyết. Toàn bộ khu Arashiyama là một dãy núi lớn với tổ hợp hàng loạt đền chùa như Tenryu-ji – một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất và hàng loạt đền Thần đạo, chỉ sợ không có sức leo chứ không sợ thiếu cảnh đẹp và góc khám phá văn hóa thú vị.

Và nhớ ghé thăm rừng tre trên con đường Sagano, nơi quay phim Thập diện mai phục. Đi vào đây cảm giác khá ngợp, còn con trai mình nhận xét là buồn thối ruột :).

Nếu đi bộ được thì bạn cố đi bộ nốt tới cầu Mặt trăng Togetsukyo (Moon crossing bridge), do người Nhật họ nhìn dãy núi phía sau giống như vầng trăng đang mọc vậy. Nhà mình thì mệt, và cũng muộn rồi nên ra khỏi rừng tre thì lên tàu điện đi về luôn.

Ngày 5: Kyoto: Daikanku-ji, Kinkanku-ji, Ginkaku-ji – Di chuyển tới Osaka

Sáng sớm nhà mình lại bắt bus đi quá lên mạn trên của Arashimaya để tới chùa Hoa cúc Daikaku-ji, “viện dưỡng lão” của các vị Thiên hoàng khi về già. Trong chùa có hồ Osawa rất thơ mộng và có hẳn một gian để trưng bày các loại đao, kiếm cổ. Thấy dân Nhật bảo chùa này rất thiêng nên nhà tớ ưu tiên mua đồ lưu niệm và một số vật phẩm tín ngưỡng như hương trầm, kiếm gỗ ở đây.

Từ Daikaku-ji tiếp tục bắt bus tới Kinkanku-ji, ngôi Chùa vàng mà tour du lịch nào cũng nhét khách vào. Ấn tượng mạnh nhất là đông như kiến và hơi xô bồ. Gian tháp vàng khá lung linh và ấn tượng giữa hồ, đổi màu sắc và tạo hình theo góc độ ánh sáng. Đi tiếp lên các quần thể đền khác trải dần lên núi, khung cảnh cũng có thể gọi là đẹp và cũng có 1 hồ nước nhỏ để ném đồng xu tiếp.

Từ Kinkanku-ji nhà mình chạy xô sang Ginkanku-ji, chùa Bạc. Đường lên chùa dốc và dài, được cái có nhiều quầy đồ ăn rất hấp dẫn. Tiếc nhất là hì hục lên tới cổng chùa thì quá giờ vào cửa nên đành “đầu đường ngắm trăng sáng” trong tiếc nuối. Nhưng chắc chắn với hàng anh đào chạy dọc con sông trước cổng chùa và quần thể kiến trúc rộng lớn trải khắp núi, đảm bảo các bạn sẽ mê mẩn với cảnh sắc của nơi này trong mùa anh đào nở.

Có một số ngôi đền, chùa nổi tiếng khác ở Kyoto nhưng nhà mình không sắp xếp đi được như chùa Thanh Thủy Kiyomizu-dera (nhà mình chủ động không chọn tham quan vì thấy kiến trúc cũng không ấn tượng lắm, lại phải trèo hơi cao, còn bạn nào muốn cầu duyên thì nên đến :), chùa Nghìn cột Fushimi Inari (tiếc nhất, đẹp lung linh, bối cảnh bộ phim Hồi kí của một Geisha)… Khu phố Geisha Gion nhà tớ cuối cùng cũng quyết định không đến.

Tối nhá nhém cả nhà mới tha nhau đi Metro sang Osaka, tới nơi gần 9h, vừa đói vừa mệt nên quyết định bắt taxi, may cũng gần nên “mới” hết 800¥.

Ngày 6: Osaka: Pháo đài Osaka

Các pháo đài như Himeiji, Nijo, Osaka hay được gọi là lâu đài (castle) nhưng mình thích gọi là pháo đài hơn vì đó đều là các tòa thành của các vị tướng Mạc phủ – đại diện cho 1 thời kì chiến tranh cát cứ liên miên ở Nhật. Kết cấu của thành Osaka chính là ví dụ huy hoàng nhất của “vòng xoáy ốc” mà chúng ta vẫn hay tự hào về Cổ Loa, nhưng “ốc” của nhà người ta là ốc đá, to cao lừng lững. Pháo đài Osaka đã cháy vài lần, trên đường đi vào đều có tranh vẽ ghi lại, nhưng ấn tượng nhất là những tảng đá nguyên khối mà tới giờ người ta vẫn chưa lí giải được chính xác người Nhật xưa làm thế nào để dựng nên thành lũy.

Bao quanh lâu đài Osaka là khuôn viên rộng lớn với cây cỏ rất đẹp và thơ mộng. Đặc biệt bạn nào có thời gian nên ghé khu Expo 70 – nơi chứa “Time capsule” (Hầm thời gian), một hầm thép chôn sâu dưới lòng đất, có thể chống chọi với cả sức phá hủy của bom nguyên tử, cất giữ những di tích minh chứng cho nền văn minh của nhân loại. Cũng có thể thăm khu vườn Nishinomaru, trồng rất nhiều cây anh đào, nhưng vào đây phải mất phí thêm.

Trong các tầng của lâu đài chính (cũng mất phí tham quan) lưu giữ di tích của các vị lãnh chúa chủ nhân và các di vật chiến tranh như chiến giáp (một số bộ có lông gấu, răng gấu… biểu dương chiến tích và sức mạnh của chủ nhân). Tầng áp mái có một loạt màn hình nhỏ chiếu phim nổi, tái hiện lại sống động hình ảnh của lâu đài thời xa xưa và phong tục, tập quán của người dân. Xung quanh cũng có các bức tranh cổ về những cuộc chiến đẫm máu liên quan tới lâu đài và lịch sử quanh xoay quanh cuộc chiến đó.

Từ pháo đài Osaka, nhà mình tiếp tục hành trình tới khu Tempozan – cảng Osaka. Ở cảng thì tất nhiên có cảnh tàu bè, và cả thuyền buồm giống trong cướp biển Caribbean.

Khi nhà mình tới thì khu này đang có triển lãm Dinosaur Expo, đúng gu của trai trẻ nên mất tới gần 2 tiếng lang thang ngắm xương khủng long (hàng khảo cổ “xịn” đưa từ bảo tàng Anh sang, chính là mấy bộ xương trong phim “Night at the Museum”). Có cả các mẫu vật răng khủng long, hóa thạch hổ phách, hóa thạch đá và bản mô phỏng tiếng của khủng long, kèm theo giới thiệu về quy trình và hiện trạng của ngành khảo cổ học.

Đối diện triển lãm là Thủy cung Osaka – đây mới là mục đích chính của nhà mình. Là một trong những thủy cung lớn nhất thế giới, theo mình Osaka là thủy cung độc đáo nhất so với các thủy cung ở Thái, Sing và cả các điểm khác ở Nhật. Trước hết ở phối cảnh hoàn toàn mô phỏng một khu rừng “mở” từ cổng vào, chứ không phải hộp kín như các thủy cung khác. Tiếp nữa là có rất nhiều loại cá mập chứ không loanh quanh ở cá mập trắng, cá mập đầu búa. Đương nhiên ấn tượng nhất vẫn là các chú cá mập voi – loài cá mập to nhất ngày nay. Theo giờ, sẽ có các show biểu diễn của cá heo, sư tử biển… kéo dài khoảng 30′. Ăn chơi nhất, có cả một phòng băng to tướng cho các sinh vật vùng cực, vụ này ở Sing mình cũng chưa thấy. Ở lối ra có thêm một số trò giải trí tặng kèm như vớt sứa, sờ lưng cá đuối, kí tên lên tường lưu niệm…

Kế bên thủy cung là Legoland Osaka, không hoành tráng như Legoland Malaysia nhưng chơi cũng khá vui, phải cái toàn trẻ con Nhật nên cũng hơi ngại.

Đã trót thì trét, cố nốt cái vòng quay khổng lồ cho đủ bộ vui chơi ở Tempozan.

Ngày 7: Osaka-Việt Nam

Sáng ra chỉ còn đủ thời gian bắt tàu cao tốc ra sân bay Kansai để về Việt Nam.

4. TỔNG KẾT

Một chuyến đi hơi ngắn nên vẫn còn chưa “đã”, nhà mình vẫn ấp ủ dự án trở lại để leo núi Phú Sĩ kết hợp với thăm làng Ninza Oshino tỉnh Yamanashi, ngôi làng cáo tỉnh Miyagi, rừng đom đóm Nagoya, biển tôm phát sáng Okayama…

Du lịch Nhật sẽ thú vị hơn nếu bạn tự lên hành trình và tham quan các điểm tương đối độc – lạ nằm ngoài hành trình quen thuộc của các tour dịch vụ. Tuy nhiên cũng có trở ngại là mặc dù các bến tàu, xe đều có hướng dẫn chi tiết, nhưng ở các tỉnh thì hầu hết chỉ có tiếng Nhật. Như đã đề cập thì việc giắt túi vài thuật ngữ tiếng Nhật là rất cần thiết vì không phải lúc nào chú Google cũng chỉ chính xác, cộng thêm có nhiều điểm chú ấy sẽ chỉ bằng chữ Nhật :(. Ở các bến tàu, ga có thể tìm được bản đồ miễn phí nhưng bản đồ “dùng được” thì nên vào 7/11 mua.

Với nhà mình thì ăn uống ở Nhật hợp hơn ở một số nước châu Á khác như Sing, Thái…, một phần vì ở đây cũng dễ tìm được các tiệm cafe làm đồ Tây. Đồ ăn vặt cũng nhiều và rẻ hơn ở Sing. Đi lại thì lại tốn kém hơn vì không có dạng EZ Link – 1 vé đi tất như Sing.

Chi phí sơ lược như sau (tính theo VNĐ):

  • Vé máy bay: Dao động từ 7-15 triệu/ người

  • Phòng: 2-2,5 triệu/ đêm

  • Đi lại (Taxi, xe bus, MRT): 500-700k/ ngày

  • Đi lại (Tàu tốc hành Shinkansen): Khoảng 2,4 triệu/ người

  • Ăn uống: 200K-1 triệu/ bữa (Tùy theo ăn đồ ăn nhanh hay nhà hàng)

  • Vé tham quan: 100-500K/ vé

  • Hầu hết các vé đi lại, tham quan đều tính 50-75% cho trẻ dưới 12 tuổi.

Một số hình ảnh từ nguồn facebook Nguyen Minh Hanh:

Nguồn: Facebook Nguyen Minh Hanh (Cho trẻ ra ngoài chơi)

Tags:
Nơi nào đông khách du lịch Trung Quốc sẽ thưa dần người Nhật

Nơi nào đông khách du lịch Trung Quốc sẽ thưa dần người Nhật

Trung Quốc hiện nay là quốc gia đông dân nhất thế giới, lại là nước phát triển. Do đó nếu bạn đi du lịch ở bất kỳ quốc gia nào cũng dễ dàng bắt gặp người Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất